Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ trực tuyến
ĐT: 0986250369
Tin tức
Gạo XK liên tục giảm giá

Ngoi lên mức trên 400 USD/tấn chưa được bao lâu, giá gạo XK của Việt Nam lại đang lao dốc khá nhanh, mà nguyên nhân chính được cho là do gạo Thái Lan cũng đang giảm giá rất mạnh trên thị trường thế giới.

Do đó, để ổn định thị trường nội địa, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) lại vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương tạm trữ lúa gạo thêm 1 lần nữa trong năm nay. 

Theo thông tin từ một số doanh nghiệp XK gạo, giá gạo XK của Việt Nam đang liên tục giảm xuống trong những ngày qua. Đến ngày 3/9, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ còn 365-375 USD/tấn, gạo 25% tấm còn 335-345 USD/tấn, gạo 30% tấm 330-340 USD/tấn …

 

Như vậy, so với giá sàn gạo 25% tấm (375 USD/tấn) mà VFA công bố ngày 17/7, thì giá gạo 5% tấm hiện nay đã chỉ bằng hoặc thấp hơn một chút. Còn giá gạo 25% tấm hiện đã giả quá sâu so với cái giá sàn nói trên.

 

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay, giá gạo Việt Nam liên tục giảm mạnh, có nguyên nhân chính là do Thái Lan đang xả hàng gạo tồn kho với giá thấp. Cuối tháng 8, Thái Lan đã bán xả hàng gạo loại 100B với giá 420 USD/tấn (cuối tháng 6, gạo 100B của Thái Lan còn ở mức khoảng 500 USD/tấn).

Đến ngày 30/8, giá chào bán gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ còn ở mức 415-425 USD/tấn. Những nguồn tin từ Thái Lan cho thấy, Chính phủ nước này đang dự kiến thu mua khoảng 18 triệu tấn lúa trong niên vụ 2013-2014. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến cho Thái Lan phải đẩy mạnh bán tháo gạo tồn kho với giá quá thấp.


XK gạo qua cảng Sài Gòn

Thực ra, việc Thái Lan bán xả hàng gạo tồn kho không phải là điều bất ngờ. Bởi trong suốt nhiều tháng qua, khi lượng gạo tồn kho của nước này đã lên tới mức khổng lồ, trong các cuộc họp của VFA, luôn đề cập tới mối lo về khả năng Thái Lan sẽ xả hàng gạo tồn kho.

Nhưng có lẽ ít DN nào lại nghĩ rằng, giá gạo tồn kho mà Thái Lan bán ra có thể thấp đến thế. Và không chỉ gạo Việt Nam, giá gạo của những nước XK lớn khác là Ấn Độ và Pakistan cũng đang giảm mạnh trước sức ép quá lớn của gạo Thái bán đại hạ giá.

Bởi khi Thái Lan xả hàng, hàng loạt nhà NK đã ngưng hỏi mua gạo để nghe ngóng, chờ xem giá gạo các nước sẽ giảm xuống ra sao. Vì thế, gạo 5% tấm của Ấn Độ và Pakistan hiện chỉ còn 400-410 USD/tấn, gạo 25% tấm của Pakistan giảm xuống còn 350-360 USD/tấn … Nếu so với giá hồi cuối tháng 6 (gạo 5% tấm của Ấn Độ là 445 USD/tấn, của Pakistan là 475 USD/tấn), thì rõ ràng giá gạo của những nước này cũng đã giảm khá nhiều.

Giá gạo XK giảm mạnh, đã gây không ít lo lắng cho các DN, nhất là khi thời hạn được hỗ trợ lãi suất tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ Hè thu đã sắp hết (15/9). Trong khi đó, lượng gạo tạm trữ đã được XK lại chưa nhiều.

Đến hết tháng 8, mới có khoảng 200-300 ngàn tấn gạo trong chương trình tạm trữ vụ hè thu được XK. Theo tính toán sơ bộ của VFA, các DN tạm trữ gạo vụ Hè thu đang phải chịu lỗ khoảng 30 USD/tấn. Lượng gạo tạm trữ hiện còn trong kho các DN là 700-800 ngàn tấn, tổng mức lỗ vào khoảng 21-24 triệu USD.

Trước tình hình đó, để ổn định thị trường lúa gạo trong nước, tránh gây hoang mang, lo lắng cho nông dân và giữ giá lúa gạo nội địa, VFA đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị cho triển khai thêm một chương trình tạm trữ mới. Theo đó, sẽ thu mua tạm trữ thêm 300 ngàn tấn quy gạo vụ Hè thu và vụ Thu đông ở ĐBSCL. Thời gian thu mua tạm trữ được đề nghị trong vòng 1 tháng, từ 15/9-15/10/2013, thời gian hỗ trợ lãi suất từ 15/9-15/11/2013.

Nếu được Thủ tướng chấp thuận, đây sẽ là năm đầu tiên thực hiện tới 3 chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo. Bên cạnh đó, để giúp cho các DN tránh khỏi nguy cơ bán tháo gạo, VFA cũng đề nghị Chính phủ gia hạn thời gian hỗ trợ lãi suất cho chương trình tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ Hè thu, thay vì kết thúc vào 15/9 thì kéo dài tới 15/10/2013.

Cũng theo ông Trương Thanh Phong, hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh khai thác các thị trường NK gạo lớn. Trong đó, trọng tâm là thị trường châu Phi vì nhiều nước ở châu lục này đang có nhu cầu NK gạo. Bởi thế, các DN cần phải bình tĩnh, không nên hoảng loạn, bán tống bán tháo gạo với giá rẻ mạt. Thay vào đó, các DN cần đẩy mạnh tập trung khai thác thị trường, nhất là ở các nước châu Phi.

Để gạo Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường này, ông Phong cho rằng Chính phủ cần đẩy mạnh đàm phán với các nước Angola và Kenya để sớm đạt được những thỏa thuận cấp Chính phủ. Qua đó, giúp cho các DN sớm xúc tiến, giao hàng khi mà nhu cầu NK gạo ở 2 nước này đang rất lớn. Bên cạnh đó, những thị trường truyền thống của gạo Việt Nam như Indonesia, Philippines … cũng cần được quan tâm, đẩy mạnh khai thác.